Thứ bảy, 20/04/2024 - 09:04|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Thái Thượng

NGOẠI KHÓA KỸ NĂNG PHÒNG TRÁNH MUA BÁN NGƯỜI VÀ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là chủ nhân của Tổ quốc sau này, là niềm tự hào và niềm hy vọng của gia đình và xã hội. Cha mẹ, thầy cô và cả xã hội đều dành những gì tốt đẹp nhất cho các em với niềm mong mỏi là các em sẽ sớm trưởng thành, trở thành những người hữu ích cho xã hội. Cha mẹ, thầy cô và những người lớn chúng ta đang làm và cố gắng làm những gì tốt đẹp nhất để điều đó sớm thành hiện thực.

Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là chủ nhân của Tổ quốc sau này, là niềm tự hào và niềm hy vọng của gia đình và xã hội. Cha mẹ, thầy cô và cả xã hội đều dành những gì tốt đẹp nhất cho các em với niềm mong mỏi là các em sẽ sớm trưởng thành, trở thành những người hữu ích cho xã hội. Cha mẹ, thầy cô và những người lớn chúng ta đang làm và cố gắng làm những gì tốt đẹp nhất để điều đó sớm thành hiện thực. Tiếc thay, môi trường sống của các em không chỉ có sự yêu thương, đùm bọc, che chở mà còn có sự lợi dụng, xâm hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các em. Do vậy, trẻ em phải luôn luôn được sự che chở bảo vệ của người lớn mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi phải làm gì để bảo vệ các em và phải làm gì để giúp các em biết tự bảo vệ mình?

     Thực tế cho thấy trung bình mỗi năm ở nước ta có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện. Số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm  65% tổng số vụ xâm hại tình dục. Nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 chiếm 57,46%. Đáng báo động là: Số vụ trẻ em dưới 6 tuổi và nạn nhân là nam ngày càng gia tăng. Xâm hại tình dục làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khoẻ của trẻ, gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội đồng thời làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục. Mặt khác còn gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.

Thực hiện Kế hoạch số 07/ KH – SLĐTBXH ngày 26/01/2018 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm năm 2018. Được sự nhất trí của Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy, UBND xã Thái Thượng. Ngày 10/9/2018 trường THCS Thái Thượng kết hợp với Sở Lao động Thương Binh và Xã hội để tuyên truyền đến các em học sinh trong toàn trường về kĩ năng phòng tránh mua bán người và kĩ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong học đường. Với mục đích truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và năng lực của học sinh, gia đình và nhà trường trong việc chủ động tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Qua đó tạo được sân chơi bổ ích, thiết thực và hiệu quả cho các em học sinh. Thông qua các hoạt động vui chơi, tìm hiểu và trải nghiệm giáo dục hình thành cho các em nhận thức và hành vi phòng ngừa xâm hại tình dục.

Tham gia buổi tuyên truyền về phía Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội có bà Trịnh Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội và giảng viên: Thạc sĩ Trần Thị Hoa – Khoa công tác xã hội Trường CĐSP Thái Bình. Về phía nhà trường có cô giáo: Lê Thị Lệ – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô Trần Thị Thanh Hồng và thầy Phan Thanh Khuyến– Phó hiệu trưởng nhà trường và toàn thể cán bộ giáo viên cùng 268 em học sinh tham dự đông đủ.

Mục đích của buổi lễ tuyên truyền là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường THCS Thái Thượng về Kĩ năng phòng tránh mua bán người và kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Tại buổi tuyên truyền Giảng viên: Thạc sĩ Trần Thị Hoa chỉ rõ cho học sinh hiểu được thế nào là xâm hại tình dục ở trẻ em. Đó là quá trình trong đó một người trưởng thành lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục. Nói cách khác, xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn.  Sau đó cô cũng nêu ra các mức độ xâm hại tình dục. Cụ thể là động chạm, sờ mó vào cơ thể người khác, ép buộc người khác phải phô trương cơ thể họ để làm thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình, kích thích tình dục: kể cho người khác nghe về tình dục, cho xem phim khiêu dâm; kích thích tình dục, quan hệ tình dục, bị xâm hại tình dục nghiêm trọng: hăm dọa, cưỡng hiếp, …Ngoài ra cô còn hướng dẫn các em những kiến thức về giới tính, dạy học sinh biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho các em thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào đồng thời hướng dẫn các em  biết ai là người có thể chạm vào cơ thể mình. Với cách dẫn dắt khéo léo, nhẹ nhàng cô đã chỉ cho các em biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào cũng như không được chạm vào của các bạn khác hay của người lớn, dạy các bạn trai không được xâm phạm các bạn nữ…

  Thông qua việc tạo tình huống và đưa ra những câu hỏi hấp dẫn cô đã  cung cấp những hiểu biết và kỹ năng cơ bản để học sinh tự bảo vệ bản thân phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục. Đó là hướng dẫn các em tránh xa người lạ mặt, không cho người lạ mặt vào nhà khi ở nhà một mình, chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác khi bị tấn công xâm hại, báo ngay cho cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 115, 113… khi bị đe dọa hoặc có thể nói dối để thoát khỏi nguy hiểm. Đồng thời giúp các em biết nhận dạng những hành vi xấu như: ép uống bia, uống rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của các em, rủ vào chỗ tối…, biết kiên quyết phản đối, có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.

        Sau đó cô hướng dẫn học sinh cách nâng cao cảnh giác bằng cách không đến nơi công cộng hoặc đi ra chỗ vắng một mình, không ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu. Cô còn hướng cho các em tính tự lập, mạnh mẽ để tránh kẻ xấu (nhút nhát, tự ti, ít bạn bè thường dễ bị kẻ xấu tấn công). Dạy học sinh tránh xa những cám dỗ bởi đồ chơi, bánh kẹo, mạng xã hội…

        Để tạo không khí thân thiện, gần gũi, sôi nổi cô đã có những phần quà rất ý nghĩa đó là tặng vở và đồ dùng học tập tới những học sinh tham gia trả lời câu hỏi tình huống đúng, gây được hứng thú cho học sinh.

          Qua buổi tuyên truyền, cán bộ giáo viên và nhân viên trong trường cũng thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục học sinh kĩ năng phòng ngừa xâm hại tình dục. Nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời  nhà trường sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đối với công tác này bằng cách lồng ghép nội dung truyền thông vào sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt đầu tuần, cuối tuần; chương trình phát thanh; các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể... Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc phòng chống nạn xâm hại trẻ em thông qua các buổi họp phụ huynh.. Vận động cha mẹ học sinh cần dành nhiều thời gian chăm sóc và gần gũi các em, thường xuyên hỏi về tình hình học tập và sinh hoạt trong ngày, theo dõi việc  đến trường đúng giờ quy định. Phụ huynh  thông báo cho nhà trường những vấn đề xảy ra với học sinh để cùng phối hợp ngăn chặn, quan tâm thường xuyên và để ý đến những hành vi phi ngôn ngữ của con để nhận biết những dấu hiệu con bị xâm hại tình dục, lắng nghe tâm sự, những câu chuyện của con, thuyết phục con kể tất cả những gì xảy ra với con trên đường phố giúp con tránh xa những hiểm họa xâm hại tình dục.Trong trường hợp con có các biểu hiện bị xâm hại tình dục như: sợ hãi, khóc lóc, hay gặp ác mộng, sống khép mình….thì cha mẹ nên dùng tình cảm, sự yêu thương của mình động viên con nói ra sự thật từ đó giải quyết mọi vấn đề một cách bình tĩnh nhất.

Qua công tác tuyên truyền và phối hợp với các lực lượng xã hội, nhận thức của học sinh và mỗi CBGV được nâng lên rất nhiều, các thầy cô và các em học sinh đã nắm được những kĩ năng cơ bản để phòng tránh cho bản thân và tuyên truyền cho người thân, bạn bè tránh xa những cạm bẫy không để kẻ xấu lợi dụng. An ninh trật tự trường học được siết chặt hơn, giữ vững được môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh. Bên cạnh đó, để có một môi trường sống lành mạnh đòi hỏi phải có sự chung tay của của chính quyền địa phương, của gia đình và cả cộng đồng xã hội. Buổi tuyên truyền tuy ngắn nhưng vô cùng ý nghĩa đã thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng thầy và trò trường THCS Thái Thượng.

Lượt xem: 526
Tác giả: Tạ Thị Út
Nguồn:Trường THCS Thái Thượng Copy link
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6
Hôm qua : 11
Tháng 04 : 306
Năm 2024 : 5.470